Tướng Cướp - Phước Tám Ngón

Từ việc bắt giữ được đàn em Phước "tám ngón", Báo Công An TPHCM đã có loạt vài lật lại vụ án nghiêm trọng này. Dưới đây là loạt bài ấy. Xin vào xem để biết thêm về một tên cướp máu lạnh từng khiến nhiều người phải kinh hoàng!Đàn em Phước "tám ngón" sa lưới tại biên giới

Tây Ninh có đường biên giới dài 200km với nước bạn Campuchia (CPC). Lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia CPC để ngăn chặn, xử lý nhiều vụ phạm pháp hình sự như: buôn lậu, cướp của giết người, trộm cắp... Trong những năm gần đây, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Tây Ninh còn phát hiện nhiều vụ buôn bán, vận chuyển vũ khí quân dụng từ nước bạn sang nước ta; trong đó có cả người nước ngoài. 11 giờ 30 phút ngày 1-6-2007, Công an huyện Tân Biên phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang một đối tượng người Việt Nam đang mua khẩu K54 với 6 viên đạn của một người CPC. Đối tượng bị bắt giữ đã làm các trinh sát đặc biệt quan tâm, khi hắn khai là đàn em trong băng cướp Phước "tám ngón" khét tiếng hơn 10 năm về trước!


VỊ KHÁCH KHẢ NGHI Ở THỊ TỨ BIÊN GIỚI

Ấp Hòa Bình, xã Hiệp Hòa, huyện Tân Biên, Tây Ninh là một thị tứ nhỏ cách biên giới CPC chỉ hơn 1km đường chim bay. Vào đầu năm 2007, khu vực này xảy ra một vụ cướp gây chấn động dư luận cả nước. Một nhóm gồm 7 đối tượng người CPC, trang bị tiểu liên AK đã tấn công tiệm vàng Kim Thoa. Sau khi cướp hơn 100 lượng vàng các loại, bọn cướp xả súng bắn trọng thương một công an viên và hai người dân. Qua quá trình hợp tác điều tra giữa lực lượng Công an Tây Ninh, Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia CPC; đến nay đã có 4 đối tượng trong băng cướp nói trên bị bắt giữ.

Tình hình an ninh trật tự ở khu thị tứ vùng biên giới này dần dần được ổn định, các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm được tuyên truyền trong quần chúng nhân dân và được các cơ quan chức năng nâng cao thêm một bước. Đây cũng là khu vực dân cư còn khá thưa thớt, sự có mặt của những vị khách lạ thường gây chú ý cho nhiều người. Sáng 1-6-2007, tại quán cà phê H.D gần tiệm vàng Kim Thoa xuất hiện một thanh niên lạ mặt. Anh ta trạc 30 tuổi, trán cao, lông mày xếch tỏ nét lì lợm. Với chiếc mũ kết đội sụp che nửa mặt, y chọn một bàn ở góc khuất, người thanh niên này rít thuốc liên tục tỏ ra sốt ruột vì phải chờ đợi ai đó. Thỉnh thoảng, anh ta lại sử dụng điện thoại di động và lia mắt láo liên khắp quán.

Khoảng 11 giờ người lạ mặt thứ hai xuất hiện. Đó là một thanh niên CPC, xách theo một túi nhỏ. Anh ta tiến lại gần bàn gã đội nón kết và đặt cái túi trông có vẻ khá nặng lên cạnh chỗ ngồi của người kia. Gã đội nón kết đặt bàn tay lên túi bóp nhẹ như để kiểm tra thứ gì bên trong. Cả hai chụm đầu thì thầm rồi gã đội nón kết đưa cho đối tác một xấp tiền. Đúng lúc đó Công an huyện Tân Biên, Công an tỉnh Tây Ninh ập vào. Gã đội nón kết vừa chồm lên đã bị một bàn tay nặng trịch đè xuống vai: "Ngồi im! Đưa hai tay lên đầu!". Khách trong quán và cả những người đi đường đều trố mắt kinh ngạc khi chiếc túi của gã được mở ra: một khẩu súng ngắn, một hộp đạn.

ĐỔI TÊN CHE GIẤU "SỐ MÁ"

Gã đội nón kết bị bắt quả tang đang mua khẩu K54 và 6 viên đạn khai tên là Lê Minh Cường, từ thành phố Hồ Chí Minh lên biên giới mua súng để... phòng thân. Quanh co một hồi, "Cường" lại nói: "Ý em là thế, nhưng nếu đem súng về có ai trả giá cao em cũng bán, kiếm chút lãi...", xin nói thêm khẩu súng này "Cường" mua với giá 11 triệu đồng. Y còn đặt cọc thêm 3 triệu cho người CPC bán súng để mua thêm một khẩu thứ 2. Lúc "Cường" bị bắt, khám xét trong người y cơ quan chức năng còn thu giữ hơn 32 triệu đồng. Đây là số tiền "Cường" mang theo cũng chỉ nhằm mục đích mua súng, đạn. Vậy Lê Minh Cường thực sự là ai? Tại sao lại có nhu cầu mua nhiều súng đạn đến thế? Lý do đi buôn vũ khí quân dụng hoặc mua súng để "phòng thân" như y khai nhằm che giấu mục đích gì?

Sau khi áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã buộc "Cường" phải hiện nguyên hình là một đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Lê Minh Cường chính là Lê Văn Dũng (SN 1977, thường trú thôn Phương Châu, xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Tây). Từ năm 1994, khi chưa tròn 18 tuổi Dũng đã vào Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đầu quân vào băng cướp do Phước "tám ngón" cầm đầu. Đây cũng chính là thời gian y bị Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé cũ tuyên phạt 30 tháng tù treo về tội "chiếm đoạt vũ khí quân dụng". Đang thi hành bản án này, Dũng đã mua một súng K54 và cùng đồng bọn thực hiện 4 vụ cướp. Ngày 29-4-1996, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa 13 bị cáo trong băng cướp của giết người do Nguyễn Hữu Thành (tức Phước "tám ngón") cầm đầu ra xét xử.

Phước "tám ngón" là tên cướp khét tiếng đã từng là tử tù trốn khỏi trại giam Chí Hòa, dùng súng AK bắn chết hai người, bắn bị thương một số người khác. Phước đã bị tử hình vào ngày 22-10-1996 tại pháp trường Thủ Đức. Một số đàn em của Phước như Nguyễn Kim Sơn chịu án chung thân, Huỳnh Phi Hùng 20 năm tù... Riêng Lê Văn Dũng (lúc đó còn có tên khác là Nguyễn Minh Cường) bị phạt 13 năm tù cho các tội: "cướp tài sản công dân", "tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép"... Dũng đã thụ án tổng cộng 11 năm 2 tháng tù và được trả tự do vào đầu năm 2006. Trong 6 tháng trước khi bị bắt lại tại thị tứ giáp biên giới CPC, Dũng đã làm gì? Một đối tượng nhiều tiền án, tiền sự, từng học được thủ đoạn tàn bạo, liều lĩnh của "đại ca" Phước "tám ngón" như Dũng chắc chắn muốn có "hỏa lực" mạnh để thanh toán đối thủ giang hồ hoặc gây ra các vụ giết người cướp của, nên mới cần nhiều súng đạn như thế. Vai trò của Dũng trong băng cướp Phước "tám ngón" như thế nào? Tất cả vấn đề đang được đông đảo độc giả quan tâm, đã được phản ánh trong loạt bài Đàn em Phước "tám ngón" tái xuất giang hồ khởi đăng trên Báo CATP số ra ngày 14-6-2007. Qua vụ bắt giữ Lê Văn Dũng, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến băng tội phạm cực kỳ nguy hiểm do Bình "kiểm" cầm đầu. Y đã chuẩn bị đến 6 khẩu súng, 412 viên đạn, 2 lựu đạn để bắt cóc con trai một nhà doanh nghiệp tống tiền 10 triệu USD.

Kỳ 1: Lật lại hồ sơ Phước "tám ngón"

Ngày 8-6-2007, CA huyện Tân Biên - Tây Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Văn Dũng (SN 1977) về tội "mua bán trái phép vũ khí quân dụng". Dũng vừa chấp hành xong án phạt 13 năm tù, đã vội vàng ôm hơn 43 triệu đồng lên biên giới mua nhiều súng đạn. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến một băng tội phạm cực kỳ nguy hiểm đang chuẩn bị "hàng nóng" cho những vụ thanh toán đẫm máu hoặc cướp của giết người tàn bạo mà đàn anh của Dũng - Phước "tám ngón" đã thực hiện hơn 10 năm trước.

Ngày mà Năm Cam cùng 4 đàn em ra "dựa cột" ở pháp trường Thủ Đức - TPHCM, có hàng trăm người hiếu kỳ đến xem. Nhiều người đã chỉ cho nhau một nấm mồ đất có đặt tấm bia xi măng, chôn xiêu vẹo, trên ghi vài thông tin đơn giản: "Nguyễn Văn Thành (SN 1971), mất ngày 22-10-1996". Đó chính là nơi Phước "tám ngón" đã "trả nợ đời" sau bao nhiêu tội ác, tội lỗi y đã gây ra. Có thể nói Phước "tám ngón" tập trung tất cả sự hung ác mà tạo hóa có thể tạo ra nơi một con người. Quê quán của Phước ở xã Bình Đường, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Ngay từ nhỏ, Phước đã bộc lộ bản chất nguy hiểm, coi thường mạng sống của chính mình và của người khác. Phước không chịu học hành, luôn cãi lời cha mẹ, nhập băng cùng đám bạn quậy phá; thô lỗ, hung hăng với bất kỳ ai làm trái ý y. Năm Phước 16 tuổi, một lần ăn nhậu với bạn bè, y đã bị mẹ la mắng. Phước gầm gừ, để "dằn mặt" mẹ, y xách dao tự chặt đứt ngón út và ngón trỏ của bàn tay trái. Từ đó cả nhà đều khiếp sợ thằng con ngỗ ngược và dưới mắt đám bạn lêu lổng, quậy phá, Phước đã trở thành một "đại ca". Một lần khác, do bị cha phiền trách vì không làm tròn bổn phận người con, Phước cùng một người anh trói ông bố thả xuống giếng. Khi thấy ông ngất đi, y mới cho kéo lên. Ông bố sau đó đổ bệnh và qua đời vì đứa nghịch tử này. Phước bỏ nhà đi bụi, lập băng trộm cướp.

Tháng 4-1988, Phước bị TAND quận Gò Vấp tuyên phạt 36 tháng tù giam về tội trộm cắp. Đang thụ án tù Phước đã trốn trại về Vũng Tàu hoạt động đâm thuê chém mướn. Với bàn tay bị cụt hai ngón và bản chất hung ác, liều lĩnh; Phước nhanh ***ng nổi tiếng trong giới giang hồ. Y còn dùng bạo lực, thủ đoạn để cướp vợ người khác và biến cô gái này thành một người đàn bà chịu rất nhiều khổ nhục, là kẻ đồng lõa với y. Đó là T.T (SN 1973), ngụ Phước Long, Thủ Đức.

Cô T. vừa lớn đã yêu và chuẩn bị kết hôn với một chàng trai. Phước cũng say mê người đẹp này nên rắp tâm chiếm đoạt. Mười ngày trước đám cưới của T., Phước đi xe máy đến năn nỉ xin được gặp T. lần cuối để nói lời chia tay. Nếu T. từ chối, đàn em của Phước bức xúc có làm gì đó thì... gia đình phải ráng chịu! Biết không thể làm trái ý tên côn đồ hung hãn này, mẹ T. khuyên con nên đề phòng. T. đồng ý đi cùng Phước để giải tỏa căng thẳng cho gia đình. T. đã bị Phước lừa cho uống thuốc mê rồi chở vào phòng trọ.

Thế là không còn đám cưới, không còn những ngày xanh đối với cô gái vừa trở thành đàn bà này. Vừa dụ dỗ, vừa đe dọa sẽ hại cả nhà T., Phước đã buộc T. phải sống kiếp giang hồ, sống ngoài vòng pháp luật cùng y. Trong một hoàn cảnh như thế, từ một cô gái chất phác, hiền lành; T. đã dần bị Phước "đào tạo", ràng buộc thành một kẻ trung thành. Sau lần Phước trốn khỏi trại giam Chí Hòa, T. đã góp sức, góp tiền để Phước trốn về Tiền Giang trị các vết thương. Sau đó cùng đào tẩu lên Tây Nguyên với Phước. Tháng 7-1990, Phước bị CATPHCM bắt giữ, sau đó di lý giao cho CATP Vũng Tàu xử lý. Phước đã bị đưa đi cưỡng bức lao động, sau đó bỏ trốn, mua súng lập băng cướp. Đầu năm 1991, tại khu vực thủy điện Trị An, Đồng Nai, Phước cùng đàn em chặn cướp xe máy của một người đi đường. Khi nạn nhân chống cự, chúng đã bắn anh này trọng thương.

Trong hai ngày 5 và 17-4-1991, băng cướp của Phước gây ra liên tiếp 2 vụ cướp, một vụ trộm và bắn chết một người tên Nguyễn Hùng Tráng tại Thủ Đức, TPHCM. Ngày 19-4-1991, Phước bị CA tỉnh Sông Bé bắt giam và di lý giao CATPHCM. Vào ngày 24-6-1994, Phước đã được đưa ra xét xử tại TAND TPHCM với các tội danh: "giết người, cướp tài sản, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép...", bị tuyên án tử hình.

Trở lại với "cái bóng" của Phước - tức cô gái bị gã tướng cướp cưỡng hôn. Sau một thời gian lưu lạc giang hồ cùng Phước, T. đã mang thai. Khi Phước bị CA tỉnh Sông Bé bắt giữ (4-1991), T. ôm bụng bầu quay về Thủ Đức sống với gia đình. Mẹ T. hiểu hoàn cảnh của con nên không hắt hủi. Bà an ủi T. hãy ráng ăn uống giữ gìn sức khỏe, chờ ngày sinh con. Bà cũng tin rằng với những tội ác khủng khiếp đã gieo, gã con rể bất đắc dĩ mang tiếng xấu cho gia đình bà sớm muộn cũng bị án tử hình. Bà khuyên T. đừng buồn, vì thật ra như vậy T. mới được giải thoát khỏi sự khống chế của Phước, chờ cơ hội tìm người tử tế để "rổ rá cạp lại". Nhưng những gì bà tính toán chưa thể thực hiện được, bởi Phước "tám ngón" vẫn chưa chịu hối cải, vẫn muốn đối đầu với pháp luật. Sau khi bị tuyên phạt tử hình, Phước đã làm đơn xin kháng án, xin được tha tội chết.

Trong thời gian chờ ra tòa phúc thẩm, Phước "tám ngón", tức Nguyễn Hữu Thành được đưa vào khu giam giữ tử tội tại trại giam Chí Hòa. Bằng những thủ đoạn khó ngờ, Phước chuẩn bị cho một cuộc trốn trại rất công phu và y đã thành công. Cuối tháng 3-1995, sau khi trốn khỏi vòng rào trại giam, Phước về Thủ Đức tìm đến nhà vợ. Cả nhà bàng hoàng trước sự xuất hiện của Phước lúc nửa đêm với quần áo tơi tả và nhiều vết thương còn rớm máu, dính đầy sình đất trên mặt, tay. Năm năm trước đó, Phước cũng từng đường đột đến nhà họ để gọi là "con rể ra mắt". Thay vì mang quà lễ nghĩa cho nhạc gia, Phước chỉ có một khẩu súng ngắn giắt sau lưng. Ông bố vợ nhìn "thằng rể vũ trang" bằng ánh mắt e ngại, đề phòng. Phước lạnh lùng lôi ông vào phòng trong, kẹp cổ, kề nòng súng lạnh ngắt vào thái dương rồi thủ thỉ: "Tui không thích mấy người nhiều chuyện, ông mà đem chuyện cây súng này ra kể với hàng xóm thì... cả nhà ông phải "đi"! Hiểu chưa!", ông già hết vía chỉ còn biết gật đầu. Kể với người ngoài thì ông không dám, nhưng than thở với vợ con về thằng rể quá dữ là chuyện ông phải làm.

Đêm nay, Phước trở lại nhà vợ; không có súng và bộ dạng mệt mỏi tả tơi, song cả nhà vợ vẫn chết khiếp vì y. Mọi người tản đi để Phước tâm sự, dặn dò vợ chừng một giờ. Sau đó y vội vã, lén lút ra đi. Nhưng chỉ một tuần sau đó, cũng vào lúc nửa đêm, cũng tiếng gọi gấp gáp, nho nhỏ: "T. ơi! T. hỡi...", Phước lại trở về. Vợ y cũng vừa sinh một đứa con gái...

Kỳ 2: "Cọp dữ" xổng chuồng

Ngày 24-6-1994, Nguyễn Hữu Thành (tức Phước "tám ngón") bị TAND TPHCM tuyên phạt tử hình vì các tội "cướp của, giết người, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép...". Trong thời gian chờ phiên tòa phúc thẩm (vì Phước xin kháng án), y được giam tại khu dành cho tử tù ở trại tạm giam Chí Hòa. Trong buồng giam, Phước bị còng một chân và cùm sắt chữ U loại phi 10. Vốn là tên tướng cướp trẻ tuổi hung bạo, đang mang án tử hình, Phước âm mưu đào thoát khỏi trại giam để tiếp tục "vùng vẫy giang hồ", tiếp tục gây án. Y nghĩ cách cưa đứt cây cùm sắt dưới chân.

Một buổi trưa giữa tháng 2-1995, một phạm nhân tên Nguyễn Văn Minh lao động, dọn vệ sinh khu vực gần phòng giam Phước. Bình thường, Phước cũng như nhiều tử tù hình sự khác, rất hung dữ theo cách "cùi không sợ lở". Phước thường chửi mắng, gây sự với bất kỳ ai - kể cả cán bộ quản giáo - khi lại gần y. Nhưng hôm nay, Phước có kế mới nên đổi thái độ với Minh. Phước ôn tồn gọi Minh lại gần, cho một chút quà vặt và nhờ Minh tìm một lưỡi dao lam để cạo râu.

Hai ngày sau, cũng trong một buổi lao động Minh quay lại phòng giam số 15, quan sát thấy không có ai để ý, Minh đến bên cửa sổ gọi Phước nho nhỏ: "Hàng đó, nhớ cất kỹ, bị phát hiện là chết đấy!". Phước mở gói giấy nhỏ ra, thấy bên trong là một lưỡi lam còn khá mới. Phước mừng rỡ trước món quà này, y bẻ đôi lưỡi lam, giấu vào kẽ nứt vách tường trong phòng giam, bên ngoài y dán một tờ báo có hình ảnh đẹp để ngụy trang. Cũng trong thời gian này, Phước tình cờ phát hiện một khoen sắt tròn trên khung cửa nhà vệ sinh. Phước tháo được khoen sắt, đưa vào cùm từ từ duỗi thẳng ra thành một cây dùi cỡ 1 tấc.

Phước mài nhọn một đầu dùi dưới nền xi măng, rồi giấu vào kẽ tường như hai mảnh dao lam. Một tháng sau đó, Phước lại thấy Minh đi lao động ngang qua nên gọi lại xin lửa hút thuốc. Minh tặng luôn cho Phước một quẹt gas màu cam. Gần như đã có những thứ cho cuộc đào thoát, Phước bắt đầu nghiên cứu cách khoét vách tường ẩm ướt, bở mục ở trong nhà vệ sinh buồng giam. Ngày 21-3-1995, Phước bắt đầu một công việc hết sức công phu: dùng mảnh lưỡi lam cưa cùm sắt. Hắn cưa ròng rã trong suốt 4 ngày đêm, hai mảnh lưỡi lam mòn lõm và thanh sắt cùm được cưa sâu 2/3. Phước gồng tay bẻ gãy cùm. Để che giấu vết cưa, Phước xé vải mỏng quấn giữ vết gãy và đốt nhựa (bằng quẹt gas Minh cho) nhỏ vào lớp vải cho giống màu của sắt cùm.

21 giờ ngày 26-3-1995, Phước tháo cùm, dùng dùi sắt khoét tường nhà vệ sinh. Đất, gạch vụn, xi măng, y tuồn hết xuống hố bàn cầu rồi dội nước cho trôi đi. Y lấy từng viên gạch xếp thành hình người đang nằm trên sàn rồi phủ mền lên. Cán bộ quản giáo nhìn vào tưởng Phước đang trùm mền ngủ. Phước chui qua lỗ khoét, bò về phía cầu thang. Đúng lúc đó có tổ tuần tra đi ngang, Phước sợ quá leo ngược trở lên, để lại bên dưới một đôi dép màu xanh và chiếc quẹt gas. Chờ tổ tuần tra qua, Phước chuyền trên nóc nhà đến khu AH. Như chuyện trong phim, Phước xé quần áo bện thành dây, một đầu cột vào kèo nhà, y nắm đầu kia đu xuống. Nhưng dây bị đứt, Phước té xuống ngất xỉu.

Hơn một giờ sau y tỉnh lại, thấy xung quanh vắng vẻ, tối om. Cột sống và một chân của y đau buốt. Rất sợ bị phát hiện nên Phước gắng gượng trèo lên cột điện leo qua hàng rào xuống đất. Y mò vào khu tập thể của gia đình các quản giáo. Phước trộm một bộ đồ cảnh sát đang phơi mặc vào cùng một đôi dép, một chiếc xe đạp. Sau đó y bình thản dắt xe đạp ra cổng chính của trại Chí Hòa. Một chiến sĩ CA đang đứng trực, Phước nói cần ra cổng để uống cà phê, mua thuốc lá. Tưởng là đồng đội nên chiến sĩ trên đã mở cổng cho Phước...

Phước đạp xe ra ngã sáu Phù Đổng bán chiếc xe đạp vừa trộm được 60.000 đồng. Y đón xe ôm về Thủ Đức tìm vợ. Phước ở nhà vợ gần 1 giờ, lấy của vợ 2 chỉ vàng rồi đón xe về Cai Lậy - Tiền Giang để trốn và chữa vết thương do té khi trốn trại. Hai tuần sau, Phước trở lại Thủ Đức tìm đến nhà T.M.C (SN 1962, đã 3 lần đi tù vì các tội: trộm cắp, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép...)

Phước còn liên lạc với N.T.A, SN 1966, có tiền án về tội trộm cắp. M.C và T.A biết Phước là tử tù trốn trại, nhưng vẫn nuôi giấu Phước. Ban ngày, nhờ ít tiền của T.A - M.C cho, Phước vào các quán cà phê vắng khách ngủ vật vờ. Cũng có khi y trốn ra ẩn nấp tại các chòi vịt ngoài đồng vắng, tối đến lại mò về nhà vợ ngủ.

Giữa tháng 5-1995, chị dâu của Phước là H. đã đưa vợ chồng y cùng đứa bé mới sinh lên Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk gửi cho một người quen. Trong thời gian sống ngoài vòng pháp luật, Phước "tám ngón" đã phải làm lễ ra mắt với giang hồ Tây Nguyên. Trong một vụ cướp bằng súng AK cưa báng, tên tướng cướp hung bạo này đã bị vợ chồng anh Hóa Công Hoàng - nạn nhân trong vụ cướp - lập mưu, đánh gục, bắt giao CA. Ngay cả CATP Buôn Ma Thuột, CA tỉnh Đăk Lăk thời điểm đó cũng không biết họ đang giam giữ một tên tử tội vượt trại vô cùng nguy hiểm. 12 năm sau, phóng viên Ngọc Hà đã gặp lại những người tham gia bắt Phước "tám ngón", những đại ca giang hồ dự tiệc "ra mắt" của Phước vào năm 1995.

Trở lại thời điểm tháng 6-1995, Phước đã cố gây ra vài vụ trộm vặt để kiếm tiền cho cả nhà y sinh sống, nhưng không thành. Mặt khác, công tác quản lý nhân, hộ khẩu ở địa phương Phước tạm trú được làm rất chặt chẽ. Phước sợ bị lộ nên đưa vợ con quay lại Thủ Đức. Hắn chiêu mộ, quy tập đệ tử (trong đó có Lê Văn Dũng vừa bị bắt tại biên giới VN - CPC khi đang cố tìm mua nhiều súng đạn vào ngày 1-6-2007) để lập một băng cướp rất hung hãn bằng súng AK, K54... Chúng đã gây ra hàng loạt vụ trộm, cướp; trong đó có lần chúng dùng súng AK bắn thẳng vào lực lượng CSHS phát hiện truy đuổi chúng, và chúng cũng từng bắn chết một người, bắn bị thương một số người khác. Trong quá trình gây án, Phước "tám ngón" - tên tử tù vượt trại - như "hổ dữ xổng chuồng", đã gây nhiều lo âu cho tình hình ANTT. Lực lượng CATPHCM và CA nhiều tỉnh thành được giao nhiệm vụ truy bắt bằng được hoặc tiêu diệt đối tượng cực kỳ nguy hiểm này...

Kỳ 3: Những bí mật được "bật mí" sau 12 năm

Sau khi trốn khỏi trại giam Chí Hòa, tử tù Phước "tám ngón" phiêu bạt lên Đăk Lăk. Phước chuẩn bị một bữa tiệc để ra mắt đại ca Cu Lu theo "luật" rừng nào cọp đó của giới giang hồ. Cu Lu lúc đó đang thời hưng thịnh: đẹp trai, có đông đàn em, nhiều tiền và... gái đẹp; là đệ tử ruột của Tin Pales - trùm xã hội đen Khánh Hòa. Sau khi "nắn gân" kẻ nhập cư, Cu Lu đã cho Phước một lời khuyên: "Cả ông và tôi không ở Đăk Lăk được đâu...".

Một năm sau Phước lãnh án tử hình, Cu Lu chết vì tai nạn giao thông. Để che giấu mình, Phước "tám ngón" trong thời gian lẩn trốn ở Đăk Lăk đã băng che bàn tay bị cụt hai ngón, giả bị thương. Đây là những chuyện về Phước mà chúng tôi thu thập được từ các trinh sát CA tỉnh Đăk Lăk và những tay giang hồ đã "gác kiếm".

Trong thời gian trốn truy nã, Phước đưa vợ con từ TP. Buôn Ma Thuột trở về Thủ Đức và mua súng AK, chiêu mộ đệ tử lập lại băng nhóm, tiếp tục gây án. Chúng đã gây ra nhiều vụ cướp, bắn chết thêm một người; bắn bị thương vợ của nạn nhân. Để tránh sự truy lùng gắt gao của lực lượng CATPHCM, Phước bàn với đàn em rời Thủ Đức đến các tỉnh miền Trung Tây Nguyên.

Sẵn râu tóc để dài, Phước đóng giả là một ông già. Một tên đàn em đã mua cho Phước vé xe đi Nha Trang, nhưng lúc đó Phước đang ngủ. Vợ Phước cầm vé lòng rất buồn rầu, cất vào túi quần... mình, định khi Phước tỉnh dậy sẽ đưa. Cô vợ đã quên đưa chồng vé xe. Chính tờ vé này đã dẫn Ban chuyên án đến Nha Trang tầm nã Phước.

Đêm ấy, Phước "tám ngón" và ba tên đệ tử đến Nha Trang. Chúng tranh thủ nghiên cứu một tiệm vàng trên đường Hùng Vương rồi kéo nhau đột nhập lúc trời tờ mờ sáng. Nhưng Phước đã gặp xui. Thời gian này, lực lượng CSHS CA tỉnh Khánh Hòa và CATP Nha trang cùng các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát - Bộ CA đang tấn công quyết liệt vào băng nhóm xã hội đen của Phạm Chí Tin (tức Tin Pales, SN 1958).

Công tác tuần tra, giữ gìn ANTT ở thành phố này rất nghiêm ngặt. Vì thế Phước và đàn em không thực hiện được vụ cướp. Nhìn ra ngày tàn của Phước, đám đàn em rẽ lối mất tăm. Phước chờ rất lâu ở điểm hẹn rồi đành một mình leo lên xe đò theo đường QL26 lên Buôn Ma Thuột. Mới đặt chân vào bến xe, Phước đã bị Chín Mường - một tên giang hồ - tóm cổ hỏi: "Mày là thằng nào? Ở đâu đến? Biết luật chơi chưa?".

Trong hành trang của Phước có khẩu súng AK cưa báng; lại là kẻ giết người không ghê tay, Phước đã muốn "quất" tên nhóc hỗn láo này. Song thân phận của hắn hôm nay đã khác. Hắn đành nhẫn nhục: "Em đang gặp nạn, nhưng có ít tiền đây, xin cho em được làm luật". Một bữa tiệc được tổ chức ở một nhà hàng sang trọng tại TP. Buôn Ma Thuột. Trong thâm tâm Phước coi đám đông giang hồ ăn uống lau nhau bằng tiền của hắn là bọn "chưa có số má". Nhưng Phước phải chú ý đến tên đàn anh mà Chín Mường luôn tỏ ra khúm núm.

Tên đó đẹp trai, cầm ly bia đến trước mặt Phước buông một câu lạnh lẽo: "Mày là thằng nào?"... Phước bình thản đáp: "Tôi là Tâm, buôn bán "xế đá" (xe trộm cắp) ở Nha Trang trốn lên đây nhờ các huynh giúp đỡ". Cu Lu chẳng nói nửa lời, rút con dao đâm phập xuống bàn, nhìn Phước trừng trừng, gằn từng tiếng: "Mày đã coi thường tao vì không nói thật. Lẽ ra tao xử mày, nhưng tao thông cảm vì hôm nay có đông đàn em, mày sợ lộ. Tao là Cu Lu, nghe tên này chưa Phước "tám ngón""?

Phước giật thót mình. Cu Lu vỗ vai Phước đổi giọng nhẹ hơn: "Ông cứ ở tạm đây, nhưng đất này không hợp với ông và cả với tôi đâu!". Cu Lu quay sang phía đám đàn em: "Nào chúc thằng Tâm mới ở Nha Trang lên một ly đi tụi bay"! Phước có phần kính nể cách xử sự của Cu Lu. Nhưng hắn không sống dựa vào băng này.

Rồi Phước gặp tên Hòa "xì ke", chuyên móc túi ở các chợ TPBMT (đã bị chết vì nhiễm HIV). Hòa cho Phước về ở chung trong một căn phòng trọ thuê tại phường Tân Tiến. Suốt gần hai tháng, mấy lần Phước tính chuyện đi "làm" một vài vụ trộm vặt kiếm sống qua ngày, nhưng đều không thành. Có lần, Phước lẻn vào một quầy thuốc Tây vắng chủ, vơ vội một ít bông băng để ngụy trang, giả cánh tay bị thương hòng giấu tung tích. Sau đó, Phước đã gây ra hàng loạt vụ trộm và bị quần chúng nhân dân bắt giữ tại đường Thăng Long, phường Tự An, TPBMT.

12 năm sau, chúng tôi tìm gặp lại những người năm xưa đã bắt giữ được Phước giao CA. Họ gồm bốn người. Hai vợ chồng anh Hóa Công Hoàng (SN 1964), Lê Thị Diễm Huyền; anh Nguyễn Văn Hào (Tổ trưởng tổ dân phố) và ông Lâm Trần Thắng - thượng tá công an đã nghỉ hưu. Đích thân đ/c Hoàng Tân Việt - Cục phó Cục CSHS phía Nam - Bộ CA và đ/c Võ Thanh Duy - Phó giám đốc CATPHCM đã lên Đăk Lăk trực tiếp trao tặng tiền thưởng và bằng khen "Gương quần chúng dũng cảm truy bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm" cho họ.

Anh Hoàng không thuộc loại "đô con" và không có võ. Anh làm nghề trang trí nội thất, chị bán vải ở chợ, có ba đứa con, hiện sống tại đường Lê Anh Xuân (TPBMT). Anh Hoàng lúc đó 32 tuổi, Phước 24 tuổi.

Khoảng 19 giờ tối 1-10-1995, anh Hoàng chở vợ và hai con trai là cháu Phi (5 tuổi) và Phong (2 tuổi) trên chiếc Honda 67 đi lễ nhà thờ về. Căn nhà (gỗ) của họ nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Vừa bước đến cửa nhà, vợ chồng anh Hoàng giật mình khi thấy cánh cửa mở toang. Lúc cả gia đình cùng đi lễ, họ đã khóa cẩn thận bằng một ổ khóa Trung Quốc. Anh Hoàng dắt chiếc xe vô hẳn trong nhà. Họ giật bắn mình khi cùng nhìn thấy trước cánh cửa buồng một thanh niên trẻ mặc áo thun màu đen cầm khẩu súng chĩa thẳng về phía mình, hắn gằn giọng: "Lùi lại không tao bắn chết!".

Chị Huyền tái mặt. Hai đứa con anh Hoàng khiếp vía nép sát vào người bố mẹ. Trong một giây trấn tĩnh, nhìn kỹ ánh mắt sắc lạnh và khuôn mặt của kẻ đối diện, anh Hoàng nhận ra đây không phải trò đùa. Trong tình huống này, cả vợ chồng anh Hoàng đều hiểu rằng, họ kêu cứu là vô ích...

Anh Hoàng rời tay khỏi chiếc xe định bước tới, nói: "Có chuyện gì... từ từ tính...". "Lùi xe lại không tao bắn chết vợ con mày!". Tên cướp nói rồi tiến tới bên anh Hoàng ra lệnh: "Mày quay xe chở tao đi". Biết nếu chở hắn đi là sẽ bị giết và cướp mất xe, những năm này ở đây đường rất vắng vẻ, dân cư thưa thớt. Anh Hoàng chần chừ. Tên cướp gí khẩu súng vào đầu anh. Sợ đến toát mồ hôi, nhưng anh Hoàng vẫn cảm nhận được hơi lạnh rợn người của khẩu súng AK cưa nòng sẵn sàng nhả đạn vào người vợ trẻ và những đứa con bé bỏng của anh.

Anh Hoàng trấn tĩnh: "Mày bỏ súng ra, tao sẽ chở mày đi". Chiếc Honda 67 tả tơi thường ngày anh Hoàng phải đạp đến cả chục cái mới chịu nổ máy, vậy mà lúc này lại nổ ngon lành. Tên cướp ngồi sau xe kề súng vô mạng sườn anh Hoàng, hất hàm bảo anh chạy ngược lên dốc để ra đường lộ chính. Đường đất ổ gà rất khó đi, xe vừa chạy được khoảng 3m, ngay trước cửa nhà ông Thắng, anh Hoàng nhìn thấy ông Thắng đứng dõi theo gật gật đầu ra hiệu trấn an anh. Chỉ trong tích tắc, anh Hoàng quyết định sống chết với tên cướp. "Ông bỏ súng ra đi, ông cứ kè kè mạng sườn tôi, sao chạy?".Anh Hoàng nói vậy rồi vặn vẹo người cho đối phương hiểu khẩu súng làm anh mất tinh thần, sợ không thể lái xe chở hắn thoát đi được. Tên cướp chuyển khẩu súng gí vào ót anh. Đúng lúc, anh Hoàng buông tay lái quay người lại thật nhanh, lấy hết sức bình sinh ôm chặt cứng tên cướp. Không ngần ngại, hắn nổ súng "đoàng!". Viên đạn sượt qua gáy làm cháy sém tóc và một mảng cổ áo anh Hoàng khiến gáy anh bỏng rát.

Rất may viên đạn chỉ sượt qua lớp da cổ. Chiếc xe đổ xuống đường kéo theo hai người, cả anh Hoàng và tên cướp té nhào xuống đất, lăn luôn mấy vòng xuống con mương cạnh bên. Nghe tiếng nổ, chị Huyền chạy vội ra kêu lên: "Bác Thắng ơi, nó bắn chết chồng con rồi!". Đúng lúc ông Thắng cũng đạp cánh cổng nhà chạy đến. Quả là có chút may mắn, ở dưới mương anh Hoàng lợi thế nằm đè lên tên cướp, ghì chặt hắn xuống. Hai tay tên cướp và khẩu súng ép chặt vào người anh.Đã đuối sức, nhưng anh Hoàng vẫn ôm chặt cứng tên cướp mặc hắn cố sức vùng vẫy và trừng mắt quát: "Mày buông ra không tao bắn chết!". Không nghĩ suy gì, cả chị Huyền và ông Thắng thấy vậy nhảy vội xuống mương cùng đè tên cướp sát mặt đất mương khô cạn khiến hắn không thể nhúc nhích. Nghe tiếng kêu: "Có cướp bà con ơi, giúp chúng tôi", các anh Thao (con trai ông Thắng), Hào, Long vội cùng nhào đến tước súng tên cướp. Bốn người dưới mương được đưa lên mặt đường.

Mọi người giữ chặt tên cướp rồi kiếm được cuộn dây băng y tế cột chặt tay hắn lại. Tên cướp gồng tay bứt tung sợi dây vùng bỏ chạy, nhưng đã bị anh Hào chụp áo kéo lại. Chiếc áo của tên cướp do giằng co đã bị rách, bị giật luôn ra dùng trói tay hắn lại. Chiếc áo vừa bật ra, số người bắt được hắn và bà con kéo đến xem nãy giờ sững người vì sau lưng hắn có một hình xăm con đại bàng tung cánh bay qua dãy núi màu xanh. Tên cướp chính là Phước "tám ngón", nhưng số người bắt giữ được hắn lúc này chẳng hề biết, cứ ngỡ đó chỉ là tên trộm vặt.

Anh Long thốt lên: "Hình xăm thế này đúng là "thứ thiệt" rồi, phải trói hắn cẩn thận". Họ dùng dây điện trói chân tay Phước lại rồi điện thoại cho Công an phường Tự An. Tại đây, hắn khai tên là Nguyễn Văn Tâm, ở Nha Trang mới lên. Ánh mắt hắn vẫn sắc lạnh và vẻ mặt bình thản, không hề tỏ vẻ sợ hãi. Hắn giả vờ không biết chữ, ký một chữ thập (+) vào biên bản lấy lời khai.

Nhận được tin người dân phường Tự An bắt được tên cướp có súng, Ban Giám đốc CA tỉnh Đăk Lăk và lãnh đạo CATP BMT rất lưu tâm. Phòng CSHS liên lạc ngay với CATP Nha Trang xác minh thông tin về tên cướp. Lúc này đúng 0 giờ. 10 phút sau đó, từ đầu dây bên kia trung tá Thân Thành Huyện - nguyên Trưởng phòng CSHS CATPHCM, Trưởng ban chuyên án truy bắt tử tù trốn trại Phước "tám ngón", điện thoại từ Nha Trang lên.

Thông tin về tên cướp có khẩu súng AK, sau lưng có hình xăm con đại bàng màu xanh và đặc biệt là hai bàn tay chỉ còn 8 ngón đã làm trung tá Thân Thành Huyện theo dấu chân trinh sát vừa đến Nha Trang truy bắt Phước "tám ngón" quá đỗi vui mừng, chắc đến 90% hắn chính là Phước "tám ngón". Ngay trong đêm đó, trung tá Thân Thành Huyện dẫn quân lên Đăk Lăk xem mặt tên cướp và thở phào nhẹ nhõm, gọi điện báo tin vui cho cấp trên và đồng đội.

Phước đã dùng một mẩu thép nhỏ làm "chìa khóa vạn năng" đường hoàng mở cửa nhà anh Hoàng khiến có người hàng xóm trông thấy cứ tưởng người nhà anh Hoàng. Chiếc đầu máy quay đĩa đã được Phước dời khỏi vị trí để tính lấy đi, nhưng không kịp...

Kỳ cuối: Vai trò của Lê Văn Dũng trong băng cướp Phước "tám ngón"

Với 43 triệu đồng tiền mặt, Lê Văn Dũng - đàn em của Phước "tám ngón" vừa đi tù về, dự định sẽ mua từ 2 đến 3 khẩu súng. Khi bị bắt vào ngày 1-6-2007 tại khu vực biên giới VN - CPC (thuộc địa bàn thị xã Hiệp Hòa - Tân Biên - Tây Ninh), Dũng khai mua súng để bán lại kiếm lời và phòng thân (vì sợ các băng nhóm khác thanh toán). Cả hai lý do này đều chứng tỏ sau 12 năm tù, Dũng vẫn là tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm.

Một đối tượng buôn bán súng bị lực lượng biên phòng Tây Ninh bắt giữTrước khi trốn lên Đăk Lăk lần thứ 2 và gặp gỡ băng nhóm giang hồ của Chín Mường, Cu Lu, Phước đã thành lập một băng cướp bằng súng AK. Sau khi trốn khỏi trại giam Chí Hòa đầu tháng 7-1995, Phước đã gặp Nguyễn Kim Sơn (SN 1973), lúc đó mới đi tù vì tội trộm cắp về. Hai tên đã đột nhập vào nhà anh Q. ở Thủ Đức trộm một xe Citi và một xe Cub 89, bán được gần 2 lượng vàng.

Với số tiền này, Phước và Sơn lên Tây Ninh mua được 2 súng AK báng xếp với đầy đủ đạn. Khi đem súng đạn về lại Thủ Đức, Phước cùng với đàn em như: Cảnh, An, Hùng hí... hì hục mài dũa, lau chùi lại. Một tháng rưỡi sau, chúng bắt đầu phi vụ đầu tiên. Phước và Sơn mỗi tên thủ một AK báng xếp chở nhau trên xe gắn máy đi "săn mồi". Đến 21 giờ ngày 15-8-1995, tại khu vực Thuận An - Sông Bé (nay là Bình Dương), chúng chặn xe Angel của một cặp vợ chồng. Chúng bắn người chồng chết tại chỗ, bắn chị vợ trọng thương, bất tỉnh. Cướp được xe máy Angel, hai tên chạy về một căn chòi lá giữa đồng hoang Thủ Đức để lẩn trốn.

Vài ngày sau Phước lấy chiếc xe vừa cướp được, chở tên Cảnh đi "làm ăn" thì **ng phải tổ tuần tra của CSHS CA Thủ Đức và CA tỉnh Sông Bé. Phát hiện hai đối tượng nghi vấn, tổ tuần tra đã đuổi theo. Phước lái xe một tay, một tay lôi khẩu AK giấu trong áo gió ra đưa cho tên Cảnh ngồi phía sau, ra lệnh: "Bắn đi!".

Tên Cảnh nghiêng người chĩa súng vào chiếc môtô pha đèn sáng quắc đang tăng tốc lao về phía chúng. Lực lượng truy đuổi hú còi, nổ súng yêu cầu xe máy phía trước phải dừng lại. Phước lại hét: "Bắn đi!", nhưng tên Cảnh thấy lực lượng tuần tra quá mạnh, khí thế trấn áp nên sợ quá thu lại súng, ôm cứng ngắc Phước.

Phước chửi thề rồi với kinh nghiệm và bản năng của một tên tử tù trốn trại, hắn tắt đèn xe, rời Quốc lộ 13 rẽ vào một con đường nhỏ. Dù thoát được cuộc truy đuổi nhưng Phước rất sợ, y đem thế chấp xe Angel được 7 chỉ vàng (người nhận thế chấp không biết đó là xe gian), làm lộ phí trốn về Nha Trang rồi lên Đăk Lăk, sau đó bị quần chúng nhân dân bắt giữ.

Đối với Nguyễn Kim Sơn, sau khi thoát được cuộc truy đuổi ở khu vực Đường Sơn Quán - Thủ Đức, Sơn đã bị Phước coi là "nhát như thỏ". Phước đã chọn hai tên đàn em khác trên đường bỏ trốn ra miền Trung mà không có Sơn. Nhưng hai tên kia nhìn ra ngày tàn của Phước nên cũng sớm rời bỏ đàn anh. Một mình Phước lén lút lên Đăk Lăk và suýt bị Chín Mường - đàn em của Cu Lu xẻo tai về tội "xâm phạm lãnh địa".

Khi Phước đi rồi, Nguyễn Kim Sơn cùng Lê Văn Dũng ráp lại thành cặp cướp. Sơn muốn có tiền để xài cũng như chi viện cho Phước, coi như chuộc lỗi với "đại ca" sau vụ bị Phước tức điên gọi là "thỏ đế". Đang chấp hành án phạt 30 tháng tù treo về tội "chiếm đoạt vũ khí quân dụng trái phép", nhưng Dũng vẫn "mê" súng, đạn và muốn lập công với Phước. Dũng đã mua một súng Colt 45 có vài viên đạn của một người nhặt ve chai. Sơn thủ theo một mã tấu. Hai tên cướp chở nhau trên một xe gắn máy rảo quanh các đường vắng trên địa bàn Thủ Đức để tìm cơ hội gây án.

Trong một tuần lễ, chúng đã "xuất quân" 4 lần nhưng lần nào cũng thất bại. Để "xả xui", hai tên đã rước hai gái mại *** về căn chòi vịt giữa đồng hoang Thủ Đức. Đây cũng là "cứ địa" của Phước "tám ngón" sau khi y trốn khỏi trại giam Chí Hòa. Sau vụ y bị bắt hụt ở khu vực Đường Sơn Quán, các lực lượng chống tội phạm hình sự càng ráo riết truy tìm tên cướp cực kỳ nguy hiểm này cùng đồng bọn của hắn. "Cứ địa chòi vịt" vì thế lọt vào tầm ngắm của công an, và ngay trong đêm rước gái "xả xui" (3-9-1995) chúng đã bị CA huyện Thủ Đức bao vây bắt gọn.

Ngoài súng Colt 45 còn có hai mã tấu, một dao lê, một hộp tiếp đạn đã được phát hiện, thu giữ ngay trong căn chòi. Đúng một tháng sau, đại ca Phước "tám ngón" của chúng cũng bị bắt tại Buôn Ma Thuột về TPHCM. Ngày 29-4-2006, TAND TPHCM đã đưa 13 bị cáo trong băng cướp Phước "tám ngón" ra xét xử. Nguyễn Kim Sơn bị phạt án tù chung thân; Nguyễn Hữu Thành, tức Phước "tám ngón" lãnh án tử hình thứ hai (án tử hình thứ nhất Phước bị tuyên trong phiên tòa ngày 24-6-1994).

Ngày 22-10-1996, Phước đã "trả nợ đời" tại pháp trường Thủ Đức trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân. Trong quá trình ở phòng giam tử tù cũng như lúc bị dẫn giải ra pháp trường, Phước luôn tỏ thái độ côn đồ, hung hãn với các quản giáo cũng như với các phạm nhân khác. Thế nhưng đến lúc bị cột vào cọc xử bắn, Phước đã sợ đến "*** cả linh hồn" làm ướt sũng chiếc quần đang mặc. Gần 10 năm sau, trùm giang hồ Năm Cam và 4 đàn em khác cũng đền tội ngay nơi Phước để lại những dấu chân cuối cùng.

Riêng Lê Văn Dũng, bị tòa tuyên phạt 13 năm tù về các tội: "cướp, tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép". Dũng ở tù 12 năm, được giảm án một năm và ra tù vào đầu năm 2006. Dũng trở về quê ở Ba Vì - Hà Tây làm nghề thợ sắt. Nhưng đó chỉ là vỏ bọc, bên trong Dũng vẫn ngấm ngầm những âm mưu phạm pháp. Vì thế, từ miền Bắc y đã ôm hơn 43 triệu đồng vào TPHCM rồi tìm đường lên biên giới VN-CPC để mua vũ khí. Dũng đã mua một súng K54 và 6 viên đạn hết 11 triệu đồng của một người CPC.

Y còn đặt cọc 3 triệu đồng để mua tiếp một súng khác. Lời khai ban đầu của Dũng tại Cơ quan điều tra: do y tích cực trong quá trình cải tạo nên được giảm án. Chính vì thế một số đối tượng ở chung trại không thích y. Khi y ra tù, chúng đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin đe dọa. Để phòng thân, Dũng phải mua súng. Do đường sá xa xôi, khi lên đến được biên giới y đã cố mua nhiều súng, đạn để nhân thể về bán kiếm lời.

Từ lời khai đó, có thể đặt câu hỏi: Đây có phải là vụ mua bán súng duy nhất của Dũng sau ngày ra tù không? Ai đã đặt hàng súng đạn cho Dũng? Những vụ cướp táo bạo bằng súng ở các tiệm vàng, cướp xe chở tiền, xe gắn máy đắt tiền... diễn ra liên tục trong thời gian gần đây tại TPHCM và các tỉnh, thành khác có liên quan đến đường dây cung cấp vũ khí của Dũng? Hiện Cơ quan điều tra CA tỉnh Tây Ninh đang khẩn trương làm rõ những vấn đề này. Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc khi có thông tin mới.