Những Cuộc Giải Cứu Con Tin

Trong những giây phút cận kề nguy hiểm, khi kẻ tội phạm quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng, khi mũi dao của chúng luôn kề sát vào cổ con tin, lực lượng Công an phải hết sức mưu trí, dũng cảm. Thời gian gần đây, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng manh động, chúng sẵn sàng gây thương tích thậm chí giết chết con tin. Nỗ lực cứu con tin đến cùng là phương châm hành động của các chiến sĩ Cảnh sát hình sự.

Kỳ 1: Hơn 5 giờ giải cứu con tin người Nhật

Vụ giải cứu con tin người nước ngoài cách đây gần mười năm tại Hà Nội, với quá trình hơn 5 tiếng đồng hồ bám đuổi từ Hà Nội lên sát biên giới Việt - Trung trên đoạn đường dài gần 200km, có thể nói là chiến công ngoạn mục của Cảnh sát hình sự Hà Nội.

NGÀY KHÔNG THỂ QUÊN CỦA MỘT NGƯỜI MẸ NHẬT BẢN

Buổi sáng 20-4-1999, tai họa đã xảy ra với bà Sugimo Togeko, quốc tịch Nhật Bản, trú tại phòng T42, làng văn hóa Việt Nhật, số 14 Thụy Khuê, Hà Nội. Chồng bà là ông Sugimoto Satoshi, nhân viên Tổ chức hợp tác với nước ngoài của Chính phủ (OECF). Khoảng 10 giờ 30, khi ấy, bà Togeko bế đứa con mới bốn tháng tuổi là bé Torahiko trên tay. Bé đang ngủ say sưa. Bỗng một thanh niên nhào vào nhà, giằng đứa bé trên tay bà Togeko và chộp con dao nhọn gần đó kề sát vào cổ em bé, bắt bà phải đưa 3.000USD, nếu không hắn sẽ giết chết em bé. Trong cơn hoảng loạn vì sợ hãi, bà Togeko lập cập tìm trong túi xách được 340 ngàn yên Nhật, 200USD và một chiếc vòng ngọc trai đưa cho hắn, miệng không ngớt cầu xin hắn thả con bà ra. Cháu bé bị giật mình khóc thét lên, khiến bà mẹ lòng dạ rối bời. Bà không biết, trước đó kẻ đang ghì chặt con bà là Nguyễn Hoàng Tuấn, SN 1972, trú tổ 22B, phường Tân Thanh, TP. Thái Nguyên, đã thuê một chiếc taxi đến 14 Thụy Khuê và giả vờ là thợ sửa chữa máy lạnh để qua mặt lực lượng bảo vệ khu nhà.

Lúc đó, bảo vệ khu nhà đã phát hiện ra và điện báo khẩn cấp cho Công an quận Tây Hồ. Chỉ vài phút sau, toàn bộ khu nhà đã bị bao vây, và cũng chỉ sau đó vài phút, lực lượng Cảnh sát hình sự Hà Nội mà chủ công là Đội đặc nhiệm, do đại úy Nguyễn Việt Chức làm đội trưởng đã có mặt. Anh Chức hiện giờ là thượng tá, Phó phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội. Trong nhà, tên Tuấn không ngừng la hét, đòi phải cấp cho hắn một chiếc taxi, một người lái xe. Nếu đáp ứng những điều kiện trên, sau khi rời Hà Nội 5km, hắn sẽ trả lại cháu bé. Tuấn cảnh báo, muốn cháu bé được an toàn thì đừng có dại cài cắm công an giả làm lái xe bởi hắn sẽ không thể nói gì trước về sự an toàn của cháu bé. Bên ngoài, lực lượng công an bắc loa kêu gọi đầu hàng nhưng tên Tuấn chỉ cười nhạt. Lúc ấy, nhân dân kéo đến đông nghịt đoạn đường Thụy Khuê khiến hắn càng hoảng hốt, manh động.

Hơn 11 giờ trưa, việc dùng loa kêu gọi có vẻ chỉ làm đối tượng thêm cáu tiết. Đại úy Nguyễn Hữu Biên, công an quận Tây Hồ, khi ấy đang ngồi trong một lớp học, nhận được lệnh trở về đơn vị. Anh cũng chỉ kịp cởi bộ quân phục, vận vào người đồng phục của lái xe taxi hãng Hương Lúa, điều khiển chiếc ôtô mang BS: 29K-4561 đến để chở tên tội phạm... đi trốn.

Theo yêu cầu của đối tượng, anh Biên đánh xe vào sát chân cầu thang ngôi nhà. Lúc đó là khoảng 12 giờ, em bé khát sữa khóc ré lên từng hồi, trong khi tên Tuấn vẫn kề sát dao vào cổ bé. Vừa lên xe hắn đã bắt anh Biên lộn ngược túi để kiểm tra xem anh có phải là công an không, có mang theo vũ khí gì không. Anh Biên đã vào vai một anh lái xe cực chuẩn, khiến hắn không mảy may nghi ngờ. Trước khi hạ lệnh cho xe chạy, hắn còn bắt anh Biên tự tay thắt dây an toàn, bẻ cụp gương chiếu hậu để anh không thể quan sát được hắn làm gì ở đằng sau. Anh còn phải khởi động xe, thử tất cả các loại chức năng trên xe xem có chạy tốt không... Xe taxi chở tên Tuấn vù ra đường. Chiếc xe đi khuất, bà Togeko không còn đứng vững được nữa. Bà hoảng loạn, lo sợ tột cùng cho tính mạng đứa con còn đang ẵm ngửa.

NHỮNG GIÂY PHÚT NGHẸT THỞ

Hết địa phận Hà Nội, đối tượng bắt anh Biên đi ra Quốc lộ số 5 để xuống Hải Phòng. Nhưng đến địa phận xã Như Quỳnh, Hải Dương, hắn lại đổi ý, bắt anh phóng thật nhanh theo hướng Bắc Ninh để lên Lạng Sơn. Đã có lúc hắn bắt anh phải chạy với tốc độ 120km/giờ nhằm cắt đuôi đoàn giải cứu gồm 40 chiến sĩ cảnh sát đi trên mười xe máy và bốn ôtô ngụy trang. Thực ra, đã có những cơ hội thuận lợi trên suốt đoạn đường gần 200km để các anh ra tay hạ gục tên bắt cóc, nhưng đó là phương án cuối cùng, các anh vẫn cố gắng thuyết phục, cố gắng dùng lời lẽ mềm mỏng để mong hắn có cơ hội được khoan hồng. Việc phải nổ súng là bất đắc dĩ. Đoàn giải cứu khi thì vọt lên trên, khi thì ép sát, bóng dáng tên tội phạm luôn ở trong tầm ngắm của các anh. Nhưng Nguyễn Hoàng Tuấn là một kẻ liều lĩnh, quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng. Mỗi lần được anh Chức thuyết phục, hắn lại cười nhạt, chửi thề ra vẻ bất cần. Anh Chức đã gần mười lần "nói chuyện" với hắn nhưng vô ích.

Là một người cha, Nguyễn Việt Chức cũng như những đồng đội khác của anh không thể cầm lòng khi thấy em bé khát sữa kêu khóc trong xe, dù ngồi trong ôtô kín mít nhưng tiếng khóc của bé vẫn lọt ra ngoài nghe buốt ruột buốt gan. Thế mà cũng phải năn nỉ mãi, tên Tuấn mới chịu mở cửa xe cho anh ném vào hộp sữa mà anh vừa vội mua bên đường. Quan sát đằng sau vẫn thấy đoàn giải cứu bám theo, Nguyễn Hoàng Tuấn tức tối thúc anh Biên chạy thật nhanh, có lúc hắn còn bắt anh tông thẳng xe vào xe máy đồng đội nhưng anh đã vào vai rất đạt, vừa khóc lóc van xin vừa mếu máo kể nghèo kể khổ về vợ con khiến có lúc đối tượng cũng chùng xuống.

Xe đến thị trấn Đồng Bành, Lạng Sơn, tên Tuấn đồng ý để cháu bé lại nhưng với điều kiện phải cấp cho hắn một xe máy loại tốt và tất cả nhóm giải cứu phải lui lại 500m. Ngay lập tức, một chiếc xe Win đã nổ máy sẵn đợi hắn cạnh cửa taxi. Năm cảnh sát đặc nhiệm bò sát đến gần chiếc xe Win, chỉ chờ hắn lên xe là nổ súng. Nhưng việc đòi xe máy chỉ là "võ" của một tên tội phạm cáo già. Hắn bất ngờ bắt anh Biên tăng tốc lao thật nhanh về phía trước để vọt sang bên kia biên giới. Nhưng hắn không ngờ, trước đó, nhận được yêu cầu phối hợp truy bắt tội phạm, Công an Lạng Sơn đã bố trí những chiếc xe tải chắn đường, tạo ra tình huống tắc đường để giữ chân đối tượng. Mọi ngả đường dẫn tới cửa khẩu cũng được phong tỏa. Khoảng 15 giờ 15, chiếc xe anh Biên chở tên Tuấn cũng tới được ngã ba Than Muội, thuộc huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, nhưng lại bị mấy chiếc xe tải chắn trước mặt, không thể nhúc nhích thêm được một phân nào nữa.

Một Cảnh sát giao thông Lạng Sơn tiến tới chiếc taxi kiểm tra giấy tờ như... bình thường, và cũng ra chuyện "lơ đãng" không nhìn thấy tên Tuấn ngồi sau đang ôm chặt cháu bé. Trong khi ấy thì một trinh sát bò sát chiếc taxi và... xì lốp. Anh Nguyễn Việt Chức lúc này đã đứng sát cửa sau phía bên trái, anh Thanh Hùng (hiện là Phó phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội) đứng bên phải. Việt Chức lại dùng chiêu thuyết phục tên Tuấn, hắn lại cười nhạt và chửi thề như thói quen cố hữu. Một phát đạn đanh gọn vang lên, găm vào cổ hắn, nhanh còn hơn chớp mắt, hắn trợn mắt sững sờ. Thế nhưng, tay cầm dao hắn vừa định đưa lên để sát hại em bé thì một phát đạn của Thanh Hùng đứng ở phía bên này bồi tiếp khiến hắn đổ gục xuống. Nguyễn Hữu Biên từ ghế trước nhào xuống ôm lấy cháu bé, và anh cứ để mặc cho những giọt nước mắt sung sướng tràn chảy trên gương mặt sương gió của mình.

"CẢNH SÁT VIỆT NAM SINH RA CON TÔI LẦN NỮA..."

Trong niềm xúc động, bà Togeko không thốt được nên lời. Bà lắp bắp câu nói ấy khi đã ôm chặt đứa con bé bỏng trong tay. Bây giờ thì bé Torahiko đã hơn mười tuổi, ký ức của bé có lẽ không nhớ được gì nhưng chắc chắn, những câu chuyện về "hai nhà thiện xạ" Thanh Hùng và Nguyễn Việt Chức sẽ được mẹ bé kể thường xuyên và đó là một trong những câu chuyện cả đời này bà Togeko không bao giờ quên được. Một ký ức buồn nhưng cũng là đẹp mà bà và gia đình đã có ở đất nước Việt Nam, về những người Cảnh sát hình sự dũng cảm đã bảo vệ con bà đến cùng, đã sinh ra con bà một lần nữa. Sự kiện này làm nức lòng không chỉ nhân dân thủ đô mà còn làm kinh ngạc những người Nhật Bản đang sinh sống và học tập ở Việt Nam. Khi ấy, tùy viên cảnh sát Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam - ông Anbe đã không ngớt lời khen ngợi lẫn cảm phục, pha chút ngạc nhiên với một thắc mắc rằng, Cảnh sát Việt Nam đã làm thế nào mà có thể giải cứu cháu bé an toàn, trong suốt hơn 5 tiếng đồng hồ, trên một đoạn đường dài gần 200km như vậy.

Kỳ 2: CUỘC GIẢI CỨU KHÔNG TỐN MỘT VIÊN ĐẠN

Một vụ đột nhập nhà riêng, khống chế con tin xảy ra cách đây bốn năm tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, nay là quận Hà Đông, TP. Hà Nội, đến bây giờ nhắc lại, các chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm Công an tỉnh Hà Tây (cũ) vẫn còn thấy hồi hộp như giây phút các anh đạp cửa xông vào bắt giữ tên cướp Tống Văn Hậu. Sinh năm 1966 Hậu không tu chí làm ăn, suốt ngày lông bông, vợ nọ con kia bìu ríu. Tiền nong không có để chu cấp là nguyên nhân chính khiến hắn nảy sinh ý định đột nhập nhà bà Nguyễn Thị Thắng, số 18 đường Phùng Hưng, thị xã Hà Đông, để cướp. Dùng một khẩu súng K54 giả, Tống Văn Hậu đã khống chế bà Thắng và người cháu đang học ôn thi đại học đòi đưa tiền.

HƠN 6 GIỜ CỐ THỦ

Hôm ấy, phóng viên Báo CATP đã có mặt tại Hà Đông ngay sau khi sự việc xảy ra. Bà Nguyễn Thị Thắng, người đã kịp chạy thoát ra ngoài cho hay, đầu giờ chiều 11-5-2005, khi bà và người cháu là anh Lê Thanh Phong, 19 tuổi, đang ở trong nhà thì có một người đàn ông bấm chuông gọi cửa. Người này cho biết, con gái của bà bị tai nạn ở cầu Hà Đông, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức. Anh ta còn miêu tả hình dáng con gái bà, đặc điểm cũng như biển số chiếc xe mà cô này đi. Bà Thắng phân vân nghi ngờ, bởi nếu bị tai nạn ở cầu Hà Đông thì sao không đưa cấp cứu ngay ở Viện 103 nơi vợ chồng bà công tác mà lại phải vào tận Bệnh viện Việt - Đức. Bà bảo người khách ngồi đợi để lên tầng bốn nhằm thông báo với người cháu tìm cách đối phó nhưng đã thấy người khách bám sát ngay đằng sau. Bà chợt điếng hồn khi thấy người này lăm lăm khẩu súng trong tay, khống chế bà và người cháu đòi đưa tiền. Sau khoảng ba mươi phút, gã đàn ông quát bà Thắng xuống dưới nhà đóng cửa lại. Phút hớ hênh của tên cướp khiến bà thoát được ra ngoài và khóa trái cửa nhốt hắn bên trong. Bà Thắng không biết rằng, trước đó Tống Văn Hậu - kẻ đang khống chế cháu bà đã mất khá nhiều thời gian ngồi rình ở quán nước đối diện căn nhà năm tầng của bà. Khi thấy bà tiễn cô con gái ra cửa, hắn liếc nhanh biển số xe và đặc điểm của cô gái. Sau mười phút cô gái đi khỏi nhà, tên Hậu đã tới bấm chuông nhà bà Thắng và sự việc không mong muốn sau đó đã xảy ra.

Nhận được tin báo, Công an tỉnh Hà Tây đã nhanh chóng bao vây ngôi nhà. Ngôi nhà của bà Thắng nằm trên trục đường chính của Hà Đông nên người hiếu kỳ kéo đến chật cứng một đoạn dài hơn cây số. Ở trong nhà, tên Hậu đã tắt hết điện, nhất định không chịu nghe điện thoại từ bên ngoài gọi vào. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng tên Hậu cũng cầm máy. Hắn bảo phải đưa ngay 100 triệu đồng và một xe ôtô du lịch, nếu không sẽ giết nạn nhân. Trực tiếp nói chuyện với hắn qua điện thoại, Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh Hà Tây lúc đó là anh Lê Minh Tiến (hiện là Phó Công an quận Tây Hồ) nhận thấy tinh thần của tên cướp đang rất hoảng loạn, rất có thể hắn sẽ manh động. Các anh đã bước đầu đáp ứng yêu cầu của hắn là giải tán đám đông hiếu kỳ, ít nhất là trong tầm quan sát của hắn.

20 giờ, tên Hậu lại đổi ý, bảo là không cần tiền bạc nữa. Hắn quát lên trong máy: "Tôi sẽ làm những điều tôi không muốn làm" nhằm dọa lực lượng vây bắt. Nhưng nghe giọng nói của hắn, Trưởng phòng Lê Minh Tiến biết tinh thần của hắn đã lung lay lắm rồi, không còn hung hăng như trước. Theo lời bà Thắng, tên cướp có súng, và trong năm tầng nhà tối om, không biết hắn và con tin ở phòng nào, nếu không đưa ra một giải pháp chính xác, rất có thể tính mạng con tin sẽ không được bảo toàn. Sau nhiều giờ thương thuyết, đối tượng vẫn không từ bỏ ý định, thế nên xe ôtô đã được điều đến hiện trường theo yêu cầu của hắn. Nhưng đến phút cuối, phương án ấy đã bị hủy bỏ. Sau này, anh Lê Minh Tiến tâm sự, anh nhận thấy mục đích của hắn là trốn thoát chứ không phải giết con tin nên đã quyết định tấn công.

20 giờ 30, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hiệu lệnh tấn công được phát ra. Từ những ngôi nhà bên cạnh, Cảnh sát đặc nhiệm mặc áo chống đạn nhanh chóng chiếm lĩnh các tầng của ngôi nhà. Tiếng lựu đạn cay vang lên chát chúa, khói từ các căn phòng túa ra khiến tất cả mọi người chảy nước mắt. Liền sau đó, đèn điện tầng ba rồi tầng một bật sáng. Chừng hơn một phút sau, tên cướp đã bị dẫn giải ra ngoài sau hơn sáu tiếng đồng hồ cố thủ với dao và súng. Sau này, khi kiểm tra, công an mới biết súng của hắn thực ra là chiếc bật lửa ga mang hình khẩu súng K54. Thượng sĩ Vũ Đức Quang - người trực tiếp bắt tên Hậu nhớ lại, khi anh đạp tung cửa phòng, tên Hậu hét to, nếu lao vào hắn sẽ giết con tin. Hơi cay khiến anh Quang hơi choáng nhưng nghĩ rằng đối tượng có súng, rất có thể hắn manh động mà giết con tin nên anh lao vào quật ngã hắn. Trong lúc vật lộn, Quang đã bị thương vào tay. Khi chiếc xe đặc chủng của CS113 lùi sát vào cửa, tên Hậu bị hai chiến sĩ kẹp sát nách đưa ra, cũng là lúc những tiếng vỗ tay hoan hô thán phục của người dân đứng xem vang lên. Các chiến sĩ Cảnh sát hình sự mồ hôi nhễ nhại lúc ấy có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất mà cánh phóng viên có mặt tại hiện trường đã ghi lại được.

HẾT TIỀN THÌ... BẮT NGƯỜI

Sau này, khi đã tĩnh tâm ngồi trước các điều tra viên, Tống Văn Hậu nói rằng, ban đầu y chỉ có ý định đi cướp để lấy tiền gửi vào cho vợ ở TP. Hồ Chí Minh vì đứa con nhỏ của y đang ốm nặng, phải cấp cứu ở viện vì một căn bệnh nan y. Sinh năm 1966, Hậu quê gốc ở Hải Dương nhưng theo bố mẹ lên Hà Nội từ nhỏ. Hắn có hộ khẩu tại tổ 12 phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, là con út trong gia đình có tám anh chị em, cha mẹ Hậu đã qua đời. Hậu từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, sau đó về công tác tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm được một thời gian không lâu thì xin nghỉ theo chế độ 176.

Hậu kết hôn với chị L., cũng ở Long Biên, công tác tại một xí nghiệp thuộc ngành đường sắt. Năm 1992, chị L. sinh một bé gái, kinh tế gia đình càng thêm túng quẫn. Trong khi đó Hậu chả có công ăn việc làm gì ra hồn, nay chỗ nọ, mai chỗ kia, khi thì đi học lái xe công nông, định vay tiền mua một chiếc xe để chở vật liệu thuê, lúc thì làm thợ xây dựng tự do. Vấn đề kinh tế luôn làm hắn đau đầu. Đầu năm 2002, bỗng nhiên Hậu bắt vợ vay 5 - 6 triệu để hắn đi lao động ở Hàn Quốc. Có số tiền ấy trong tay, ai cũng tưởng Hậu sẽ quyết tâm ra nước ngoài mưu sinh, không ngờ, hắn làm một mạch vào TP. Hồ Chí Minh, sống lang thang rồi xin làm thợ phụ xây dựng các công trình nhà dân ở Q3. Thời gian này, Hậu phải lòng chị P., nhà ở quận Bình Thạnh. Người đàn bà này từng có một đời chồng. Không lâu sau, P. đã có với Hậu một con trai. Khi con bị ốm nặng, chị P. ở TP. Hồ Chí Minh điện ra hối thúc đã khiến Hậu quẫn chí làm liều.

Không biết chuyện tình của kẻ cướp này với người đàn bà tên P. sâu nặng tới mức nào mà mặc dù chưa ly dị vợ là chị L., cuối năm 2003, Hậu vẫn cố tình dẫn P. ra nhà mình ở Hà Nội để ăn tết, khiến gia đình chị L. rất bất bình nhưng vẫn nín nhịn. Đến khi chị L. không thể chịu nổi những cay đắng mà người chồng này gây ra cho mình, nhất là khi biết tin đã lấy tên của chính bố đẻ đã khuất của chị để đặt tên cho con trai của y với người vợ mới, chị L. đã làm đơn xin ly hôn. Đầu năm 2004, tòa án xử ly hôn vắng mặt Hậu. Đầu tháng 4-2005, Hậu lại mò ra Hà Nội chơi và ngày 9-5-2005, hắn chào người anh trai để vào TP. Hồ Chí Minh, nhưng thực chất là thuê nhà nghỉ ở đường Nguyễn Văn Cừ tá túc và lên kế hoạch gây án. Trước đó mấy hôm, hắn mò lên Lạng Sơn mua dao nhọn, bật lửa hình khẩu súng và bình xịt hơi cay làm phương tiện hành động. Ngày 11-5-2005, Hậu đi xe buýt từ Gia Lâm sang Hà Đông và ngồi rình ở quán nước đối diện nhà bà Thắng với mục đích cướp tài sản. Gia đình bà Thắng chỉ là ngẫu nhiên mà hắn chọn, chứ nếu không cũng sẽ là một gia đình khác. Hậu còn cho biết, hắn nung nấu ý định cướp của từ lâu rồi nhưng chưa có cơ hội.

Đối diện với những vụ giải cứu con tin, quan trọng nhất là người chỉ huy phải phát lệnh đúng thời điểm, đó là điều kiện tiên quyết khẳng định việc phá án có thành công hay không. Và lực lượng CSHS Công an tỉnh Hà Tây (cũ) đã làm được điều ấy, họ đã không để xảy ra dù chỉ một sai sót nhỏ.

Kỳ 3: VỤ BẮT CÓC ĐƯỢC ĐIỀU KHIỂN TỪ NƯỚC NGOÀI

Vài chục năm, ở Hải Phòng không xảy ra vụ bắt cóc con tin đòi tiền chuộc nào, nhưng khi vụ án này xảy ra, lực lượng CSHS nơi đây không hề nao núng. Nhóm bắt cóc con tin gồm toàn những kẻ nghiện hút nặng, sử dụng thủ đoạn tinh vi chưa từng thấy, kẻ cầm đầu ngồi ở nước ngoài điều khiển, bắt cha mẹ cháu bé phải nộp số tiền lên đến sáu tỷ đồng, nhưng lại theo phương thức chuyển tiền qua dịch vụ ra nước ngoài. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Công an Hải Phòng đã đưa được cậu bé bảy tuổi về với gia đình trước khi bị bọn bắt cóc mang ra nước ngoài bằng đường biển.

BẮT CON TIN GIỮA BAN NGÀY

Sáng 15-11-2007, cháu Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 2000, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, là con trai của anh Nguyễn Công Hân (35 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Yến (33 tuổi), ở số nhà 6, khu 6, phường Đằng Hải, Ngô Quyền, được anh họ là Nguyễn Công Doanh (22 tuổi), đưa đến lớp bằng xe máy. Khi anh Doanh chở bé Tùng đến trước siêu thị Plaza, bất ngờ có ba đối tượng đi trên hai xe máy, loạng quạng lao vào xe anh. Anh Doanh chưa hiểu chuyện gì thì bất ngờ một trong ba tên nhảy lên xe anh, gí súng vào người anh, ép cứng cháu Tùng ngồi giữa và bắt anh đi về hướng đường Đà Nẵng. Hai tên còn lại đi xe máy ép sát. Tới chân Cầu Tre thuộc địa bàn quận Ngô Quyền, chúng bắt anh rẽ vào đường bờ mương và rút chìa khóa xe máy của anh. Sau đó, chúng trùm áo lên đầu bé Tùng, bế lên xe của chúng biến mất dạng.

9 giờ sáng cùng ngày, vợ chồng anh Nguyễn Công Hân chết đứng khi có một người lái xe ôm đến nhà, đưa cho anh một chiếc phong bì cùng với lời nhắn hãy kích hoạt sim ngay. Vội vàng mở ra xem, anh Hân thấy bên trong là chiếc sim điện thoại di động có đầu số 090... Anh nhận được thông báo con trai bị bắt cóc từ cách đó hơn một tiếng đồng hồ. Anh cuống cuồng lắp sim vào máy thì ngay sau đó có một người đàn ông gọi đến, mà anh đoán là kẻ cầm đầu nhóm bắt cóc. Hắn yêu cầu gia đình anh Hân phải chuyển sáu tỷ đồng vào một tài khoản ở Trung Quốc qua một địa điểm gửi tiền trên đường Lương Khánh Thiện. Kẻ cầm đầu cho vợ chồng anh thời hạn ba ngày, nếu không gửi tiền thì chúng sẽ tiêm virút HIV vào người cháu Tùng và chặt tay chân gửi về cho gia đình...

Lòng dạ rối bời, vợ chồng anh Hân định không báo Công an mà cố xoay xở, dù phải thế chấp ngôi nhà đang ở. Nhưng cố gắng cũng không thể kiếm đâu ra số tiền lớn như thế. Qua công tác nắm thông tin địa bàn, Công an TP. Hải Phòng đã biết sự việc và động viên vợ chồng anh Hân hợp tác với cơ quan điều tra. Không khí mệt mỏi, lo lắng bao trùm lên gia đình anh Hân. Vợ chồng anh hầu như không ăn, không ngủ, hễ thấy máy điện thoại reo là họ vội vàng vồ lấy nghe, những mong được biết một chút thông tin về con trai mình. Anh Hân là cán bộ Phòng Tài chính quận Hải An, vợ là bác sĩ nha khoa Bệnh viện Việt - Tiệp. Anh Hân còn giữ được bình tĩnh chứ vợ anh thì vật vã, lo lắng cho tính mạng cậu con trai. Sau rất nhiều lần thương lượng, đối tượng đã đồng ý hạ số tiền chuộc xuống còn hai tỷ đồng. Trong những lần chúng liên lạc, anh chị đều hỏi thăm con nhưng chúng gạt đi. Duy nhất có một lần sau hai ngày cháu Tùng bị bắt cóc, tức là ngày 17-11-2007, trước khẩn cầu của anh chị, chỉ cần cho anh chị nhìn thấy mặt con sẽ giao tiền ngay, chúng đã cho anh Hân gặp bé Tùng qua điện thoại. Cuộc nói chuyện chưa được hai phút đồng hồ thì đầu dây bên kia đã cúp máy.

PHÁ ÁN

Công an TP. Hải Phòng đã tung vào trận một lực lượng hùng hậu dưới sự chỉ huy trực tiếp của thượng tá Dương Tự Trọng, Trưởng phòng cảnh sát hình sự. Các anh chia nhau chốt chặn ở những điểm giáp biên giới cả trên bộ, cả trên thủy, nhằm chặn đường tẩu thoát của bọn bắt cóc. Bước đầu các anh đã dựng được chân dung nhóm tội phạm bắt cóc cháu Tùng do một đối tượng tên Mạnh, đang ở nước ngoài điều khiển. Tên này nghiện ma túy nặng, lợi dụng vùng giáp biên giới với Việt Nam có phủ sóng, hắn đã điều khiển đồng bọn qua điện thoại di động cách thức phạm tội. Chúng không dùng một sim điện thoại mà thay đổi liên tục hòng che giấu tung tích.

Ban chuyên án quyết định mở nút thắt của vụ án bằng việc bắt giữ một đối tượng trong nhóm tội phạm này là Nguyễn Ngọc Tú (42 tuổi), ở đường Đà Nẵng, Ngô Quyền, Hải Phòng. 8 giờ 15 ngày 19-11-2007, tên Tú bị bắt giữ khi đang chở con trai đi trên đường thuộc địa bàn phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền. Tú là thợ điện nước tự do, chuyên làm cho các công trình xây dựng, nghiện ma túy nặng và có một tiền án về tội không tố giác tội phạm giết người. Tên Tú đã khai nhận là thành viên tích cực tham gia vụ bắt cóc cháu Tùng và chỉ ra nơi đang giam giữ cháu Tùng. Đó là một con tàu đang đậu trên bán đảo Đình Vũ, thuộc quận Hải An. 9 giờ cùng ngày, lực lượng giải cứu bất ngờ đột nhập con tàu khiến một số đối tượng đang giam giữ cháu Tùng ở đây không kịp trở tay. Toàn bộ đối tượng nhanh chóng được đưa về trụ sở công an. Khám khẩn cấp nhà tên Tú, công an thu giữ một khẩu súng ngắn K59 bằng... nhựa, là phương tiện mà Tú cùng đồng bọn đã dùng để khống chế anh Doanh, bắt cóc cháu Tùng.

Không thể kể hết niềm vui sướng tột độ của gia đình anh Hân. Vợ chồng anh ôm chầm lấy con mà nước mắt chảy ướt nhoà. Họ quá xúc động không thể thốt được lời cảm ơn công an đã đem con họ trở về an toàn. Thật may mắn bởi nếu Ban chuyên án chỉ chậm hơn chúng vài tiếng đồng hồ thì cháu Tùng đã bị đem ra nước ngoài và khi ấy, cơ hội trở về với gia đình thật khó khăn.

Theo lời khai của Tú, trước khi xảy ra vụ án sáu ngày, Mạnh gọi Tú nhờ nhận mặt cháu Tùng và bàn kế hoạch bắt cóc đòi sáu tỉ tiền chuộc. Trước khi thực hiện kế hoạch, Mạnh cùng đồng bọn mua một con tàu gỗ nhỏ giá ba trăm triệu đồng để làm nơi giam giữ cháu Tùng. Chúng còn đề phòng trong trường hợp bị lộ sẽ dùng chính con tàu đó tẩu thoát ra nước ngoài.

Theo chỉ đạo của Mạnh, Tú đã mò đến nhà cháu Tùng và theo dõi chặt chẽ quy luật đi lại của cháu cũng như bố mẹ cháu. Hắn biết việc đưa đón cháu Tùng đều do anh Doanh đảm nhận. Tên Tú đi mua một khẩu súng nhựa màu trắng dùng làm phương tiện gây án. Sáng 15-11-2007, Mạnh gọi Tú đến nhà mình thực hiện kế hoạch. Cùng với một đối tượng tên là Vũ, cả ba tên đi trên hai xe máy và đã bắt cóc được cháu Tùng như đã nói ở trên.

Sau khi bắt được cháu Tùng, Mạnh đưa cháu xuống chiếc tàu gỗ thuộc khu vực bán đảo Đình Vũ cho đồng bọn trông coi. Chúng không ngờ, toàn bộ kế hoạch tưởng như tuyệt đối hoàn hảo, với những đường đi nước bước kín kẽ, cuối cùng vẫn bị lực lượng công an bóc gỡ.